Saturday, March 28, 2015

Bí mật giấc ngủ của kiến

Chỉ có kiến chúa được hưởng đặc quyền ngủ say, còn lũ kiến thợ buộc phải tranh thủ ngủ gật hàng trăm lần trong ngày.


Một con kiến lửa Solenopsis invicta. Ảnh: sciencemag.org
Sự khác biệt trong cách ngủ giải thích tại sao kiến chúa sống tới vài năm, còn tuổi thọ của kiến thợ chỉ tính bằng tháng. Tuy nhiên, nó đảm bảo rằng kiến thợ luôn tỉnh táo trong mọi thời điểm để làm việc và bảo vệ tổ.
Ba chuyên gia Deby Cassill, Skye Brown và Devon Swick của Đại học South Florida và George Yanev của Đại học Texas (Mỹ) nghiên cứu hành vi ngủ của loài kiến lửa Solenopsis invicta. Họ gây dựng một tổ kiến gồm ba kiến chúa, 30 kiến thợ và 30 ấu trùng trong phòng thí nghiệm rồi đặt tấm kính lên phía trên tổ. Một số máy quay được đặt ở phía trên tấm kính để ghi hình liên tục. Do kiến lửa thường sống dưới mặt đất, nhóm nghiên cứu nghĩ rằng hành vi ngủ của chúng sẽ không bị tác động bởi chu kỳ ngày-đêm.
Kết quả ghi hình cho thấy, kiến thợ thường xuyên ngủ gật trong những khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, chúng không ngủ gật cùng lúc. Nếu tính trung bình thì mỗi con kiến thợ ngủ gật 250 lần mỗi ngày, mỗi lần chỉ diễn ra hơn một phút. Tổng thời gian ngủ của chúng là 4 giờ 48 phút mỗi ngày.
Vào mọi thời điểm luôn có tới 80% kiến thợ tỉnh táo.
“Tỷ lệ trên, cùng với tình trạng ngủ gật liên tục của kiến thợ, đồng nghĩa với việc mọi nhiệm vụ trong tổ luôn được hoàn thành. Luôn có ít nhất một kiến thợ sẵn sàng làm việc nếu có nhiệm vụ phát sinh. Khi công việc giảm, kiến thợ ngủ nhiều hơn”, Cassill cho biết.
Những con kiến chúa ngủ lâu hơn so với “thần dân” của chúng. Thậm chí chúng còn “đồng bộ hóa” giấc ngủ, bởi nhiều lần nhóm nghiên cứu nhìn thấy cả ba con chúa ngủ cùng lúc. “Giống như chó săn, lũ kiến chúa nằm lên nhau trong lúc ngủ. Khi tỉnh giấc chúng lại tách ra”, Cassill kể.
Trung bình kiến chúa ngủ 90 lần mỗi ngày, mỗi lần hơn 6 phút. Như vậy tổng thời gian ngủ của chúng vào khoảng hơn 9 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Kiến chúa có hai kiểu ngủ. Thỉnh thoảng con chúa ngủ lơ mơ vì râu của chúng cứ dựng lên giữa chừng rồi hạ xuống. Trong khi ngủ lơ mơ, kiến chúa rất dễ tỉnh giấc bởi tiếng động. Song những giấc ngủ như thế chỉ chiếm số ít, bởi chúng thường xuyên có những giấc ngủ sâu. Khi ấy râu của chúng thụt vào, còn miệng ngậm chặt. Nhóm của Cassill còn có bằng chứng cho thấy kiến chúa mơ trong giấc ngủ sâu.
Đối với loài kiến, tình trạng ngủ ngắn của con thợ chính là nhân tố giúp con chúa có cuộc sống yên bình và lâu dài. Nhiệm vụ của kiến thợ là cung cấp thức ăn và bảo vệ kiến chúa cùng đàn con mà con chúa sinh ra. Vì gánh vác trách nhiệm nặng nề và làm việc vất vả nên kiến thợ chỉ sống được vài tháng (tối đa là 6 tháng), trong khi tuổi thọ của kiến chúa có thể lên tới 6 năm.
Con chúa của một số loài kiến khác có thể sống tới 45 năm.
Minh Long (theo BBC)

Friday, March 27, 2015

Mẹo vặt sinh tồn trong cuộc sống "trăm năm không lỗi thời"

Mẹo vặt sinh tồn trong cuộc sống "trăm năm không lỗi thời

Thậm chí hàng trăm năm nữa, những bí kíp khoa học này vẫn còn nguyên giá trị.

Khoa học ngày càng phát triển giúp con người có ngày một nhiều các vật dụng tiện ích trong cuộc sống. Nhưng điều đó không đồng nghĩa, các mẹo vặt do người xưa sáng tạo ra không còn giá trị. Thậm chí, không ít bí kíp được áp dụng từ cách đây hàng trăm năm nhưng cho tới ngày nay vẫn còn nguyên tính thực tiễn.

1. Bí kíp luộc trứng bị nứt vỡ

Trước nay, bạn thường vứt đi những quả trứng nứt vỡ? Nếu đúng vậy thì sau khi đọc bí kíp này, bạn sẽ không cần phí phạm như vậy nữa.

Rất đơn giản, chỉ cần thêm một chút giấm vào nồi luộc trứng mà thôi. Lòng trắng trứng chính là protein albumin. Trong môi trường nước nóng và có acid acetic (giấm), albumin kết tủa nhanh chóng. Kết quả là lòng trắng phủ kín phần vỏ trứng bị nứt vỡ, giúp bạn có được món trứng luộc nguyên vẹn mà không bị phá hỏng kết cấu. 


2. Bí kíp nhặt vụn thủy tinh hay gai hoa hồng găm vào tay

Cảm giác bị gai hay các mảnh vụn thủy tinh đâm vào bàn tay luôn thật khó chịu. Tuy nhiên, với bí kíp trên đây bạn sẽ dễ dàng thoát khỏi chúng.

Theo đó, bạn chỉ cần ấn chặt phần tay bị gai đâm vào một bình nhỏ chứa nước nóng. Áp lực hơi nước tạo ra khi đó sẽ khiến tay bạn dính chặt vào miệng bình. Chờ một lúc sau đó, rút tay ra và bạn sẽ thấy chiếc gai tự nhiên chui ra khỏi bàn tay.  


3. Chế tạo dụng cụ chữa cháy từ muối, nước

Thời xưa, khi chưa có những dụng cụ chữa cháy hiện đại, con người đã biết tới cách sử dụng muối ăn, nước và muối của ammoniac để dập những đám cháy nhỏ phát sinh trong nhà.

Cụ thể, hãy chuẩn bị sẵn hỗn hợp 2 lít nước, 0,45kg muối và 0,225 muối amoni (có thể là (NH4)2CO3). Sau đó, khi có đám cháy thì lập tức ném hỗn hợp này vào lửa. Muối ăn có tác dụng hấp thụ nhiệt và cách ly sự tiếp xúc của đám cháy với oxy trong không khí. Đồng thời, muối amoni cũng sản sinh ra CO2 nên sẽ dập được đám cháy rất nhanh chóng. 


4. Tuyệt chiêu châm diêm trước gió

Chúng ta hẳn đều đã gặp chút ít khó khăn khi thắp lửa bằng diêm mà xung quanh gió thổi mạnh phải không? Với tuyệt chiêu trên đây, bạn có thể yên tâm về ngọn lửa mình thắp lên sẽ chẳng hề gì.

Rất đơn giản, chỉ cần khía đầu que diêm tõe ra giống như trong bức hình. Khi diêm cháy, diện tích tiếp xúc với oxy của diêm cũng lớn hơn so với que diêm thông thường. Kết quả là bạn có thể thoải mái sử dụng diêm khi trời có gió mà không sợ lửa tắt nhanh chóng.


5. Tưới cây mỗi ngày khi bạn công tác xa cả tuần

Bạn đi xa và lo lắng cho những chậu cây ở nhà không có người chăm sóc? Vậy thì hãy để một vài sợi len nối một đầu với chậu nước, đầu còn lại để trên phần đất của chậu cây.  

Theo quy tắc vật lý, nước sẽ thấm vào len và di chuyển từ trên xuống dưới, nhỏ giọt vào lớp đất của cây. Khi đó, cây sẽ vẫn tươi tốt do được len cung cấp nước thường xuyên. 


7. Bí kíp sinh tồn khi đối diện với chú chó dữ

Không ít người trong chúng ta coi chó là nỗi khiếp sợ. Vậy bạn sẽ làm gì khi đối mặt với một chú chó dữ?

Cách hiệu quả nhất là sử dụng chiếc mũ bạn đang đội hoặc một cây gậy (nếu có) và giơ ra phía trước. Theo các nhà khoa học, chó có xu hướng hạ gục các vật cản trước khi tấn công một đối thủ. Vì vậy, trong khi chú chó dữ “bận” xử lý chiếc mũ, bạn có đủ thời gian để tìm cách chạy trốn.


8. "Nằm lòng" cơ chế lọc nước kinh điển

Đây là một trong những phương pháp lọc nước kinh điển được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Khi không có nước lọc sử dụng, hãy tự chế một bình với 4 lớp lọc gồm cát mịn, cát lẫn sỏi dăm, đá nhỏ và đá lớn như thế này.

Khi nước chảy từ trên xuống, bề mặt các lớp lọc sẽ giữ lại các chất bẩn, vẩn đục và cho ra sản phẩm nước sạch có thể sử dụng để nấu nướng và uống.


9. Biện pháp giữ trứng tươi với Mẹ Thiên nhiên

Cuối cùng là một biện pháp giữ trứng tươi khi còn chưa có tủ lạnh. Theo đó, hãy để trứng tươi vào một chiếc hộp kín phủ đầy muối và giữ tại nơi thoáng mát. 

Nhờ tính chất hóa học đặc trưng, muối sẽ bảo vệ trứng khỏi các tác nhân như độ ẩm hay vi khuẩn. Theo ước tính của các chuyên gia, phương pháp này có thể giữ trứng tươi trong suốt 9 tháng mà không gặp vấn đề gì. 

Nguồn: Viralnova, Distractify, Wikipedia, Fire Science Schools